5 cách hiệu quả giúp phòng tránh sa sút trí tuệ

Sức khỏe

Sa sút trí tuệ là tình trạng thường gặp ở những người từ 65 tuổi trở lên. Cho đến nay, vẫn chưa có phương pháp để điều trị sa sút trí tuệ. Do đó, những gì tốt nhất có thể làm chính là thực hiện các biện pháp dự phòng để ngăn chặn nó xảy ra.

>>> Xem thêm: Chứng bệnh hay quên ở người trẻ ngày càng phổ biến

1. Sơ lược về sa sút trí tuệ

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới, “Sa sút trí tuệ là một hội chứng thường có tính chất mãn tính hoặc tiến triển. Hội chứng này làm suy giảm chức năng nhận thức vượt quá dự kiến so với lứa tuổi của người mắc.

Nó gây ảnh hưởng đến trí nhớ, suy nghĩ, khả năng hiểu, định hướng, tính toán, khả năng học tập, ngôn ngữ và năng lực phán đoán. Tuy nhiên sa sút trí tuệ không làm ảnh hưởng đến ý thức của người bệnh.

Một số thay đổi về tâm trạng, kiểm soát cảm xúc, động cơ hành động,… thường đi kèm với suy giảm chức năng nhận thức hoặc đôi khi có thể xuất hiện trước khi suy giảm chức năng nhận thức xảy ra.”

Thống kê cho thấy, có hơn 55 triệu người trên toàn thế giới hiện đang phải sống chung với sa sút trí tuệ, trong đó chủ yếu là những người trưởng thành trên 65 tuổi. Mặc dù kém phổ biến hơn, tuy nhiên cũng có một số các trường hợp được ghi nhận mắc sa sút trí tuệ khi mới chỉ 30, 40 hay 50 tuổi.

Cho đến nay, vẫn chưa có phương pháp điều trị cho các đối tượng bị sa sút trí tuệ. Những điều tốt nhất mà chúng ta có thể làm đó chính là thực hiện các biện pháp dự phòng, ngăn ngừa sa sút trí tuệ xảy ra.

Sa sút trí tuệ đang ngày càng trở nên phổ biến hơn 

2. Những phương pháp hiệu quả trong dự phòng sa sút trí tuệ.

Tiến sĩ Ziad Nasreddine – Chuyên gia thần kinh đến từ Phòng khám và Viện MoCA đã có những chia sẻ về một số các biện pháp đã được chứng minh hiệu quả trong phòng tránh sa sút trí tuệ. Hãy cùng theo dõi các biện pháp này thông qua nội dung dưới đây!

2.1. Lưu trữ thông tin

Tiến sĩ Nasreddine hướng dẫn, lưu lại nhật ký mỗi ngày với một đến hai câu để ghi lại những sự việc hoặc tin tức quan trọng là cách hiệu quả để phòng tránh sa sút trí tuệ.

Hành động này làm cải thiện cơ sở kiến thức và xây dựng chức năng lưu trữ nhận thức. Từ đó giúp chống lại các căn bệnh do thoái hóa gây nên. Ngoài ra, các thông tin được lưu trữ lại còn có thể hữu ích khi tham gia một số các hoạt động mang tính chất xã hội.

2.2. Duy trì các mối quan hệ

Theo Tiến sĩ Nasreddine, dành thời gian hiệu quả hơn cho những người thân yêu như gia đình hay bạn bè,… sẽ giúp kích thích sự hoạt động của não bộ. Đồng thời nó cũng thúc đẩy mạng lưới các tế bào thần kinh tăng tân tạo các synapse mới và khiến các synapse cũ hoạt động trở lại.

Bằng cách nói về những trải nghiệm và kế hoạch của bản thân sẽ khiến trí nhớ, khả năng ngôn ngữ, kỹ năng lập luận và phân tích đều có thể được rèn luyện. Cùng với đó, việc đưa ra quan điểm về một tin tức nào đó còn có thể giúp làm mới cách giải thích cho ý kiến của bản thân trong các vấn đề khác.

2.3. Duy trì hoạt động thể chất

Với 150 phút hoạt động thể chất mỗi tuần sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ bị bệnh Alzheimer – dạng phổ biến nhất của sa sút trí tuệ. Bởi hoạt động thể chất không chỉ làm tăng tiết các yếu tố tăng trưởng não bộ, mà nó còn giúp phòng ngừa sự thoái hóa của hệ thần kinh.

Tiến sĩ Nasreddine cho biết thêm, hoạt động thể chất làm tăng lưu lượng máu và giữ ổn định nồng độ oxy cung cấp cho não, vì vậy có thể giữ cho tinh thần minh mẫn hơn. Ngoài ra, tăng tiết endorphin cũng khiến cho hệ thống giao cảm bị kích thích. Điều này làm tăng cảm giác khỏe mạnh, giảm các căng thẳng và lo lắng có tác động bất lợi đến chức năng của não.

Duy trì hoạt động thể chất giúp phòng tránh sa sút trí tuệ

2.4. Kiểm soát các yếu tố nguy cơ tim mạch

Không kiểm soát tốt các tình trạng như đái tháo đường, cao huyết áp và tăng cholesterol đều có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động nhận thức. Bởi những yếu tố này làm rối loạn chức năng của các tế bào thần kinh. Vì vậy khiến tốc độ suy giảm nhận thức tăng lên và sa sút trí tuệ dễ dàng xảy ra hơn.

Tiến sĩ Nasreddine dẫn chứng rằng, nhiều nghiên cứu trong quá khứ đã chứng minh vấn đề này. Những người kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ tim mạch thường có kết cục tốt hơn so với người không được kiểm soát tốt.

2.5. Áp dụng chế độ ăn Địa Trung Hải

Theo Tiến sĩ Nasreddine, chế độ ăn uống giữ vai trò mấu chốt trong phòng tránh sa sút trí tuệ. Những người tuân thủ tốt chế độ ăn Địa Trung Hải được cho là có thể giảm tới 40% nguy cơ mắc sa sút trí tuệ.

Ông giải thích, chế độ ăn Địa Trung Hải yêu cầu người áp dụng sử dụng cá nhiều hơn (3 lần/tuần), tăng cường sử dụng dầu oliu, các loại hạt và trái cây. Thịt đỏ, các sản phẩm từ sữa và đồ ăn ngọt nhân tạo,… là những thực phẩm cần hạn chế sử dụng. Ngoài ra, chế độ ăn này cũng khuyến khích sử dụng rượu vang đỏ với lượng vừa phải để bảo vệ sức khỏe tốt hơn.

>>> Xem thêm: Lợi ích của việc sử dụng ghế massage với người cao tuổi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *