Mắt bị ngứa: Nguyên nhân và cách điều trị

Sức khỏe

Ngứa mắt ảnh hưởng đến nhiều người và là lý do phổ biến khiến nhiều người phải đến gặp bác sĩ nhãn khoa. Nó xảy ra bởi nhiều tình trạng khác nhau bao gồm cả dị ứng và nhiễm trùng. Trong bài viết này, chúng ta cùng điểm qua một số nguyên nhân gây ra tình trạng ngứa mắt và cách điều trị nào nên được áp dụng.

>>> Xem thêm: Làm sao để mắt cận hết lồi? Cách khiến mắt hết lồi khi bị cận thị

1. Nguyên nhân khiến mắt bị ngứa

1.1. Dị ứng theo mùa

Đây là nguyên nhân phổ biến nhất. Nếu bạn bị ngứa mắt vào cùng một thời điểm hàng năm, bạn có thể bị dị ứng theo mùa bởi phấn hoa hoặc các loại cỏ phấn hương.

Một cách để biết bạn có đang mắc phải dị ứng hay không, đó là bạn sẽ có các phản ứng dị ứng khác đi kèm chẳng hạn như hắt hơi hay nghẹt mũi.

Hầu hết các triệu chứng được kích hoạt bởi histamine – một hợp chất do các tế bào tiết ra để chống lại các chất gây dị ứng. Histamine gây ra các phản ứng viêm và ngứa mắt là một trong những dấu hiệu phổ biến.

Một số cách để làm giảm các triệu chứng dị ứng theo mùa là:

  • Chú ý thời tiết và ở nhà khi số lượng phấn hoa cao.
  • Đóng cửa sổ nhà và cửa sổ xe
  • Tắm giặt thường xuyên để tránh quần áo dính phấn hoa
  • Đeo khẩu trang, mặt nạ, kính để tránh phấn hoa khi ra ngoài

Thuốc kháng histamine không kê đơn rất hữu ích trong việc kiểm soát các triệu chứng. Hoặc nếu tình trạng nghiêm trọng bác sĩ sẽ kê thuốc chữa dị ứng cho bạn.

Nếu bạn bị ngứa mắt vào cùng một thời điểm hàng năm, bạn có thể bị dị ứng theo mùa bởi phấn hoa hoặc các loại cỏ phấn hương

1.2. Dị ứng lâu năm

Dị ứng lâu năm là những dị ứng gây ra bởi nấm mốc, bụi và lông thú, một số sản phẩm trong nhà… Đây là những dị ứng mà bạn có thể bị cả năm.

Nếu các chất gây dị ứng ở trong sản phẩm bạn hay sử dụng làm gây ra tình trạng ngứa mắt, hãy tạm dừng sản phẩm một thời gian, tránh sản phẩm tiếp xúc với mắt.

Ngoài ra, để biết liệu bạn có dị ứng hay không, bác sĩ chuyên khoa có thể tiến hành xét nghiệm da bằng cách tiêm một lượng nhỏ chất gây dị ứng như lông thú cưng hay phấn hoa để xem vùng da bị tiêm có bất kỳ phản ứng nào không. Các thí nghiệm này hầu hết đều an toàn cho tất cả mọi người.

Cùng với việc cố gắng giảm tiếp xúc với chất gây dị ứng, bạn có thể dùng thêm thuốc chẳng hạn như thuốc kháng histamine hoặc corticosteroid, để giúp giảm viêm.

1.3. Nhiễm trùng

Một trong những bệnh nhiễm trùng mắt phổ biến là viêm kết mạc hay còn được gọi là đau mắt đỏ do phần lòng trắng của mắt bị nhiễm trùng chuyển sang màu hồng. Với đau mắt đỏ thì tình trạng bị ngứa mắt là điều không thể tránh khỏi. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ lây lan và thường kèm theo chảy dịch từ mắt.

Một bệnh nhiễm trùng khác có thể xảy ra được gọi là viêm màng bồ đào, tình trạng viêm mống mắt. Viêm màng bồ đào có thể gây đau mắt và cực kỳ nhạy cảm với ánh sáng.

Cả hai loại nhiễm trùng này đều được điều trị bởi bác sĩ. Thuốc kháng sinh, steroid có thể được sử dụng để điều trị viêm kết mạc. Thuốc nhỏ mắt chống viêm có thể đủ để điều trị viêm màng bồ đào. Tuy nhiên, trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, có thể cần dùng thuốc ức chế miễn dịch. Viêm màng bồ đào nếu không được điều trị hiệu quả có thể dẫn đến giảm thị lực nghiêm trọng và các biến chứng như tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể.

1.4. Khô mắt

Nước mắt là sự kết hợp của nước, dầu và chất nhờn, giữ cho đôi mắt của bạn ẩm và sảng khoái.  Khô mắt là hiện tượng mắt của bạn sản xuất không đủ nước mắt do nhiều lí do gây ra như:

  • Tuổi già
  • Các bệnh về tiểu đường, viêm khớp
  • Sử dụng thuốc chống trầm cảm, thuốc tránh thai, hạ huyết áp…
  • Ống dẫn nước mắt hoặc tuyến nước mắt bị tắc
  • Ở nơi có gió hoặc môi trường có độ ẩm thấp

Điều trị khô mắt có thể đơn giản bằng cách sử dụng một số loại thuốc nhỏ mắt phù hợp đặc biệt là nước mắt nhân tạo không kê đơn.

Mắt bị khô cũng gây nên tình trạng ngứa mắt

1.5. Viêm mí mắt

Viêm mí mắt (viêm bờ mi) là tình trạng khi các tuyến dầu nhỏ ở gốc lông mi bị tắc nghẽn gây ra ngứa, đỏ, sưng đau, chảy nước mắt…

Viêm mí mắt không gây suy giảm thị lực nhưng nó có thể trở thành bệnh mãn tính dẫn đến viêm kết mạc và một số biến chứng khác. Ở trường hợp nhẹ, chỉ cần giữ sạch mí mắt là có thể khắc phục được tình trạng viêm mí mắt. Ở trường hợp nặng, có thể phải sử dụng thuốc kháng sinh và thuốc chống viêm do bác sĩ kê đơn.

1.6. Nhức mỏi mắt

Khi nhìn lâu vào màn hình máy tính trong một thời gian dài, đọc sách ở nơi có ánh sáng yếu hay trong trường hợp lái xe vào ban đêm hoặc những ngày nắng chói chang có thể làm căng mắt khiến bạn cảm thấy ngứa mắt và mệt mỏi.

Mí mắt cũng sẽ chịu đả kích nếu bạn buộc phải mở mắt và tỉnh táo khi bạn đang mệt mỏi. Đối với một số người, nhiệt độ trong nhà hoặc điều hoà không khí có thể dẫn đến căng thẳng, ngứa và kích ứng mắt.

Cách điều trị tốt nhất cho tình trạng này là để mắt nghỉ ngơi định kỳ. Bạn có thể tấp vào lề đường chợp mắt một lúc trong trường hợp lái xe, hoặc dừng sử dụng máy tính cũng như hãy đọc sách nơi ánh sáng tốt…

1.7. Sử dụng kính áp tròng

Sử dụng kính áp tròng quá lâu hoặc không thay kính áp tròng thường xuyên có thể gây kích ứng mắt khiến chúng đỏ và ngứa. Nếu bạn đeo kính áp tròng hãy nhớ bỏ chúng ra vào ban đêm và làm theo các bước vệ sinh kính áp tròng đồng thời nên thay kính áp tròng theo định kỳ.

1.8. Một số chất trong không khí

Một số người có thể bị ngứa mắt và đỏ mắt khi tiếp xúc với khói, khí thải hoặc thậm chí một số loại nước hoa. Và để tránh tình trạng nhạy cảm với những chất gây kích ứng thì việc bạn phải làm tránh xa chúng ra. Bạn có thể sử dụng thuốc nhỏ mắt để làm dịu hoặc dùng khăn ấm đắp lên mắt để giảm triệu chứng.

2. Khi nào đến gặp bác sĩ

Bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa khi có các triệu chứng sau đây:

  • Đau dữ dội
  • Mờ mắt, mất thị lực đột ngột
  • Đỏ mắt kèm theo đau
  • Thay đổi thị giác
  • Sưng mắt
  • Dấu hiệu nhiễm trùng, chẳng hạn như đóng vảy hoặc tiết dịch
  • Nước mắt quá nhiều
  • Mí mắt dính vào nhau, đặc biệt là khi thức dậy

3. Điều trị

Điều trị ngứa mắt sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân. Một số phương pháp điều trị và khuyến nghị được sử dụng như:

  • Sử dụng máy tạo độ ẩm tại nhà có thể giúp điều chỉnh độ ẩm trong không khí và giảm ngứa mắt.
  • Xác định nguyên nhân và tránh nó
  • Chườm mát hoặc chườm ấm
  • Giữ gìn vệ sinh mắt tốt
  • Ngừng sử dụng kính áp tròng hoặc sử dụng một loại khác
  • Sử dụng nước mắt nhân tạo
  • Làm sạch mắt bằng dung dịch nước muối
  • Dùng thuốc kháng sinh hoặc các loại thuốc khác
  • Bôi thuốc vào mắt để tăng tiết nước mắt

Bác sĩ chuyên khoa sẽ thảo luận về các phương pháp điều trị được khuyến nghị dựa trên tình trạng và tiền sử bệnh của bạn.

4. Phòng ngừa

Việc ngăn ngừa ngứa mắt sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. Tuy nhiên, mọi người có thể thực hiện một số bước để khuyến khích sức khỏe của đôi mắt:

  • Làm ẩm không khí trong nhà của bạn nếu sống ở khu vực khô hoặc sử dụng nhiệt để giữ ấm vào mùa đông.
  • Vệ sinh các bộ lọc trong máy tạo ẩm một cách cẩn thận và thường xuyên. Cân nhắc bộ lọc HEPA để làm sạch không khí.
  • Thay đổi bộ lọc trong hệ thống điều hòa không khí và hệ thống sưởi theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
  • Tránh dụi mắt. Nếu đau mắt nên ngồi xuống và chườm mát thư giãn trong 10 phút.
  • Tránh khói thuốc và các chất gây kích ứng khác.
  • Luôn sử dụng các sản phẩm không gây dị ứng gần mắt của họ.
  • Thực hiện theo một chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm vitamin A và axit béo omega-3 .
  • Ở trong nhà khi lượng phấn hoa cao.
  • Sử dụng thiết bị bảo vệ mắt nếu làm việc với bất cứ thứ gì có bụi hoặc cát.
  • Các mùi mạnh, chẳng hạn như hóa chất tẩy rửa, nước hoa, chất tạo mùi hoặc thậm chí là hành tây có thể gây khó chịu, gây viêm và tạo ra một môi trường hoàn hảo cho vi khuẩn xâm nhập. Do đó, bạn nên cố gắng tránh những điều này nếu có thể.

Hi vọng bạn đọc đã có được những thông tin bổ ích về tình trạng ngứa mắt – nguyên nhân và cách điều trị của hiện tượng này để bảo vệ sức khỏe và chăm sóc đôi mắt sáng đẹp nhất.

>>> Xem thêm: Điềm báo ù tai là may – xui hay là sự bất thường của sức khỏe?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *