Trật khớp cùng đòn phải làm sao? Có cần phẫu thuật không?

Sức khỏe

Trật khớp cùng đòn là một chấn thương khá thường gặp trong các loại chấn thương vùng vai, nó có thể chiếm từ 9-10% trong tổng số các ca. Đa số các trường hợp rơi vào nhóm người trẻ, gặp do chấn thương trong khi chơi thể thao, tai nạn hoặc lao động. Trật khớp cùng đòn là một bệnh lý cần được điều trị nhanh chóng và triệt để nhằm hạn chế các biến chứng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của người bệnh.

Trật khớp cùng đòn là một chấn thương vai thường gặp (do chấn thương thể thao hoặc do ngã đập vai xuống nền cứng). Thường gặp trong các vận động viên xe đạp, trượt tuyết hoặc đá bóng. Nó xảy ra khi lực tác động vào phía ngoài xương đòn dẫn đến trật khớp ở mức độ nhẹ, trung bình hoặc nặng. Ở mức độ nhẹ, trung bình thì các dây chằng liên quan căng giãn hoặc đứt một phần. Ngược lại ở các trường hợp nặng thì các dây chằng néo giữ xương đòn xuống dưới bị đứt, khi đó đầu ngoài xương đòn bị bật lên, có thể thấy da phía ngoài nhô lên.

Nguyên nhân trật khớp cùng đòn

Khớp cùng đòn (acromioclavicular joint) là khớp động nằm giữa đầu ngoài của xương đòn và phần mặt trong của mỏm cùng vai, diện khớp bao phủ bởi phần sụn sợi. Khớp cùng đòn được nâng đỡ, cố định bởi một hệ thống phức hợp của ba loại dây chằng là: dây chằng cùng đòn (thực chất là bao khớp trước trên dày lên), dây chằng nón và dây chằng thang. Ngoài ra, độ vững chắc của khớp này có được còn là do các sợi của cơ delta, cơ thang phối kết hợp với phần trên của dây chằng cùng đòn.

Trật khớp cùng đòn (Acromioclavicular Joint Dislocation) được định nghĩa là một chấn thương vùng vai thường xảy ra khi người bệnh bị một va đập mạnh vào vùng vai như ngã đập vai với cánh tay áp sát thân người hoặc khi người bệnh chơi thể thao rồi bị chấn thương trực tiếp vào vùng này.

rật khớp cùng đòn

Tùy vào mức độ tổn thương của dây chằng, tình trạng lệch, sai khớp cùng đòn mà bệnh này được phần thành 6 cấp độ nghiêm trọng như sau:

  • Cấp độ 1: Giãn dây chằng cùng đòn, dây chằng quạ đòn không có vấn đề gì
  • Cấp độ 2: Dây chằng cùng đòn bị đứt, dây chằng quạ đòn bị giãn
  • Cấp độ 3:  Dây chằng quạ đòn bị đứt, trật hoàn toàn khớp cùng đòn
  • Cấp độ 4: Đầu ngoài xương đòn bị trật ra đằng sau, trật vào bên trong hoặc trật xuyên qua cơ thang
  • Cấp độ 5: Đầu ngoài xương đòn di lệch rất nhiều lên trên
  • Cấp độ 6: Phần xương đòn bị chệch xuống dưới mỏm cùng vai hoặc mỏm quạ khiến cho khoảng gian quạ – đòn bị thu hẹp lại so với bên lành lặn. Cấp độ này là nặng nhất nhưng trong thực tế được cho là trường hợp khá hiếm gặp.

Triệu chứng trật khớp cùng đòn

Trên lâm sàng, bệnh trật khớp cùng đòn có thể biểu hiện bởi các triệu chứng điển hình như:

  • Người bệnh bị đau đớn, khó/hạn chế vận động ở vùng khớp vai
  • Quan sát thấy phần vai bên chấn thương bị xệ xuống, có thể thấy rõ đầu ngoài của xương đòn nhô ra khỏi mỏm cùng vai.
  • Có dấu hiệu phím đàn. Điều này được thể hiện bằng hành động lấy tay ấn xương đòn về vị trí cũ rất dễ nhưng nếu không ấn nữa thì xương đòn lại tiếp tục bị nhô lên.
  • Phần vai có chấn thương sẽ bị sưng bầm, tụ máu tím tái và rất đau đớn.
  • Đầu ngoài xương đòn rất đau và có dấu hiệu lò xo.

Ngoài ra, tùy vào cấp độ tổn thương của bệnh mà triệu chứng cũng có những đặc trưng riêng biệt như sau:

  • Cấp độ 1: Người bệnh sẽ bị đau vùng khớp cùng quạ đòn nhưng lại không bị đau ở vùng gian quạ đòn, đồng thời khó khăn trong vận động vai.
  • Cấp độ 2: Người bệnh có dấu hiệu phím đàn, phần đầu ngoài của xương đòn thường nhô cao hơn một chút so với phần mỏm cùng vai. Nếu ấn vào vùng gian quạ đòn thì thấy rất đau.
  • Cấp độ 3: Mức độ nhô lên của đầu ngoài xương đòn rõ ràng hơn so với độ 2 và thấy được tình trạng này trên bề mặt da.
  • Cấp độ 4: Người bệnh thấy đau đớn hơn so với cấp độ 3 với phần đầu ngoài xương đòn bị trật ra đằng sau so với phần mỏm cùng vai.
  • Cấp độ 5: Quan sát thấy vùng da tổn thương bị gồ lên rất nhiều, mức độ cơn đau nặng hơn.
  • Cấp độ 6: Nhìn thấy mỏm cùng vai bị nhô lên rõ ràng, vai phẳng. Một số trường hợp nghiêm trọng có thể bị gãy xương đòn, gãy xương sườn hoặc có tổn thương đám rối cánh tay.

Trật khớp cùng đòn có thể gây ra tình trạng đau vai gáy.

Trật khớp cùng đòn phải làm sao?

Trong thực tế, tùy vào cấp độ tổn thương khớp cùng đòn và thể trạng của người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng bảo tồn hay phẫu thuật. Trong đó, điều trị bảo tồn thường chỉ được áp dụng với tổn thương cấp độ nhẹ 1,2 hoặc một số trường hợp cấp độ 3 nếu người bệnh không phải vận động nhiều.

Trong điều trị bảo tồn bệnh này thường thì sẽ áp dụng những phương pháp sau:

  • Nếu có trật khớp, di lệch khớp ít thì thường người bệnh được dùng băng keo số 8 hoặc băng Deseault hoặc đeo túi treo tay để cố định khuỷu trong 3 – 6 tuần.
  • Dùng thuốc kháng sinh đường uống hoặc đường tiêm. Các thuốc thường được sử dụng là thuốc giảm đau, kháng viêm, thuốc ngừa uốn ván nếu có vết thương hở hoặc xây xát da.
  • Tích cực nghỉ ngơi, có thể chườm lạnh để giảm đau.
  • Sau đó tùy vào trường hợp sẽ được chỉ định tập luyện hồi phục chức năng. Thường trong 4 đến 6 tuần đầu, người bệnh sẽ được tập vận động thụ động khớp vai, tiếp đến tập ở tầm chủ động và khi đủ điều kiện sẽ được tập tăng sức cơ.

Phẫu thuật trật khớp cùng đòn

Thường tổn thương ở cấp độ 3 trở lên hoặc người bệnh chớm mức độ 3 nhưng có nhu cầu vận động cao thì sẽ được chỉ định phẫu thuật. Trong phẫu thuật hướng tới các khắc phục sau:

  • Phẫu thuật cố định khớp cùng đòn
  • Phẫu thuật cố định xương đòn vào mỏm quạ
  • Phẫu thuật tái tạo dây chằng quạ đòn bằng gân tự thân/gân đồng loại, chuyển dây chằng quạ cùng thành dây chằng quạ đòn.
  • Phẫu thuật nội soi cố định quạ đòn.

Về phương pháp phẫu thuật thì hiện nay có khá nhiều nhưng điển hình nhất vẫn là phương pháp găm đinh Kirschner, phương pháp néo ép số 8 hoặc phương pháp nẹp khóa mọc xương đòn…

Nhìn chung mỗi phương pháp đều có một ưu nhược điểm riêng, tùy vào từng điều kiện mà bác sĩ sẽ chỉ định hướng phẫu thuật phù hợp nhất.

Trên đây là những thông tin liên quan đến bệnh trật khớp cùng đòn. Hy vọng đã giải đáp thấu đáo những thắc mắc của bạn đọc. Chúc bạn sức khỏe!

Có thể bạn quan tâm: Đau xương gót chân là bệnh gì? Nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *